Nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường (ĐTM)
19:50' 3/3/2013

Việc thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho các nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đã mang lại nhiều hiệu quả trong phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhìn nhận các tồn tại và hạn chế để nâng cao chất lượng thực hiện ĐTM là việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
 



GS.TS. Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhận định, thông qua ĐTM, chủ đầu tư đã nâng cao trách nhiệm trong việc lựa chọn loại hình dự án và công nghệ sản xuất, trong phòng ngừa và giảm thiểu tác động xấu tới môi trường do hoạt động của các dự án gây ra, góp phần ổn định xã hội, hạn chế các xung đột do ô nhiễm môi trường, giảm tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng. Nhưng...
Những tồn tại
Theo Luật Bảo vệ môi trường, một báo cáo ĐTM nói chung cần phải tuân thủ theo một bố cục và những yêu cầu về nội dung nhất định như phải có các nội dung mô tả liên quan đến dự án, điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội khu vực dự án, dự báo và đánh giá tác động.... Tuy nhiên, chất lượng báo cáo ĐTM trên thực tế không đạt được những yêu cầu theo quy định của pháp luật. Cụ thể, nội dung về mô tả dự án chưa nêu được những vấn đề thuộc về đặc thù của dự án có liên quan tới môi trường, từ đó dẫn đến hệ quả là phần này trong báo cáo quá dài, lại không cung cấp đủ thông tin phục vụ cho việc dự báo và đánh giá tác động, cũng như giải pháp giảm thiểu tác động xấu và giám sát môi trường sau này.
Việc đánh giá sự cố rủi ro trong các giai đoạn của dự án của nhiều báo cáo còn hời hợt hoặc chỉ liệt kê dự báo rủi ro mà không chú ý đánh giá tác động tới môi trường khi các sự cố rủi ro xảy ra, dẫn đến việc chủ đầu tư không lường hết các kịch bản xấu để đầu tư thích đáng cho hoạt động kiểm soát rủi ro môi trường.
Bên cạnh đó, tham vấn ý kiến cộng đồng và việc thể hiện ý kiếm tham vấn cộng đồng trong báo cáo ĐTM còn rất hình thức. Không ít báo cáo ĐTM khi thẩm định có đính kèm văn bản tham vấn có nội dung giống hệt nhau, trong khi các cơ quan nhà nước trả lời tham vấn là khác nhau.
Theo Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường trong quá trình thực hiện ĐTM vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ dự án và tư vấn.Nhiều trường hợp chủ dự án đã giao khoán, phó mặc cho tư vấn môi trường thực hiện ĐTM, trong khi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung báo cáo ĐTM là thuộc chủ dự án. Do đó, nội dung tư vấn môi trường đưa ra trong báo cáo ĐTM đôi khi không thống nhất, thậm chí không phù hợp với nội dung của dự án
… Giải pháp hoàn thiện
Theo ông Nguyễn Minh Quang Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tăng cường công tác bảo vệ môi trường cần phải đẩy mạnh thi hành những quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2005 và các văn bản pháp luật do Chính phủ ban hành trong thời gian qua. Trong đó, đánh giá tác động môi trường phải là những công cụ quản lý quan trọng nhằm góp phần phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường”, ông Quang nói.
Với thực tế xã hội của Việt Nam, để ĐTM thực sự có ý nghĩa, không thể coi nhẹ hoạt động kiểm tra, xác nhận sau thẩm định báo cáo ĐTM. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có các giải pháp kiên quyết, triệt để và cụ thể nhằm khắc phục tình trạng “trốn” thủ tục xác nhận sau thẩm định đang rất phổ biến hiện nay.
Ngoài ra việc thẩm định báo cáo ĐTM cần gắn kết chặt chẽ với việc khảo sát địa điểm thực hiện dự án, đảm bảo kết quả thẩm định là có căn cứ khoa học và thực tiễn để gửi cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM.
Các tiêu chuẩn môi trường cần được xây dựng theo hướng tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Đối với chất thải, cần có quy định cụ thể về hệ số hoặc thông số trên cơ sở khả năng chịu tải của môi trường ở phạm vi hẹp và định kỳ công bố để chủ dự án hoặc chủ cơ sở sản xuất biết và thực hiện. Vấn đề này liên quan chặt chẽ với hệ thống quan trắc môi trường trong cả nước, do vậy, cũng cần được kiện toàn để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
GS.TS. Đặng Kim Chi cho biết thêm, công cụ ĐTM trong thời gian qua tuy còn bất cập và hạn chế nhưng đã phát huy được tác dụng trong phòng ngừa, ngăn chặn từ xa các tác động tiêu cực đến môi trường của các dự án phát triển. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, công cụ ĐTM ở Việt Nam trong thời gian tới cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và phát triển để đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu của thực tiễn./.

Các tin tiếp
Hội nghị đánh giá công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.   (11/4/2024)
Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024   (11/4/2024)
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chủ trì hội nghị giao ban Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tháng 6 năm 2023   (7/7/2023)
Góp ý dự thảo báo cáo nhiệm vụ “Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” và “Đánh giá khí hậu tỉnh Bình Thuận”.   (6/10/2020)
Nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường (ĐTM)   (3/3/2013)
Tìm kiếm
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    2174608